Skip to main content

Các loại thuốc giảm đau nhanh chóng và hiệu quả

| asia |

Cơn đau nhức khiến người bệnh rất khó chịu, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hàng ngày. Cơn đau có rất nhiều dạng và bạn hoàn toàn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau nhanh để giảm bớt cơn đau. Tuy nhiên, đây chỉ là cách giảm đau tạm thời, nếu cơn đau không dứt bạn nên tìm hiểu các cách giảm đau nhức khác. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, mời bạn cùng tham khảo bài viết sau đây nhé!

Đau là gì? Các chứng đau thường gặp

Đau không chỉ là cảm giác khó chịu, mà đó còn là sự tổn thương của các mô và tế bào. Cơn đau có thể liên quan đến tình trạng sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo âu, do đó bạn cần theo dõi tần suất xảy ra cơn đau để bác sĩ có thể xác định chính xác sức khỏe tổng thể của bạn.

Theo thời gian

  • Đau cấp tính thường xảy ra đột ngột trong vài ngày và cơn đau nhức sẽ giảm dần theo thời gian. Đây là các loại tổn thương thể chất do ngoại lực gây ra và có vị trí xác định.
  • Đau mạn tính là tình trạng đau tái đi tái lại nhiều lần và kéo dài hơn ba tháng, thậm chí hơn sáu tháng.

Theo cơ chế gây đau

  • Đau cảm thụ là một phản ứng của hệ thống thần kinh giúp bảo vệ cơ thể. Ví dụ như khi tay chạm phải nồi nóng, bạn sẽ tự động rụt tay lại hoặc mắt cá chân bị bong gân buộc bạn sẽ phải nghỉ ngơi trong một thời gian.
  • Cơn đau thần kinh có thể là kết quả của các tín hiệu đọc sai giữa các dây thần kinh và não hoặc tủy sống. Cơn đau cũng có thể là do tổn thương thần kinh. Một số loại đau thần kinh bao gồm: đau thần kinh hậu Zona, bệnh thần kinh đái tháo đường, hội chứng ống cổ tay…

Khu trú (vị trí) đau

  • Đau cục bộ là khi người bệnh cảm nhận vị trí đau trùng với vị trí tổn thương.
  • Đau xuất chiếu xảy ra khi người bệnh cảm nhận vị trí đau ở vị trí khác với vị trí tổn thương.
  • Đau lan xiên là cảm giác đau gây ra do sự lan tỏa từ một nhánh dây thần kinh này sang một nhánh thần kinh khác.

Các loại thuốc giảm đau nhanh và lưu ý khi dùng

Thuốc giảm đau nhanh là các loại thuốc dùng để điều trị cơn đau do bệnh lý, chấn thương hay phẫu thuật. Mỗi loại thuốc sẽ có cơ chế hoạt động khác nhau tùy thuộc vào cơn đau. Tìm hiểu kỹ về thuốc trước khi sử dụng giúp bạn dùng thuốc an toàn và hiệu quả.

Thuốc giảm đau không kê đơn

Bạn có thể tự mua các thuốc giảm đau nhanh mà không cần kê đơn như paracetamol (acetaminophen) và thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) tại nhà thuốc mà không cần chỉ định từ bác sĩ. Các thuốc này rất hữu ích cho các tình trạng như:

  • Đau đầu
  • Đau lưng
  • Đau cơ
  • Viêm khớp
  • Đau bụng kinh
  • Bong gân và các chấn thương nhỏ khác.

Các thuốc kháng viêm không steroid ngăn chặn chất COX-1 và COX-2 giúp giảm viêm, nhức bao gồm:

  • Aspirin có tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm. Trẻ em dưới 12 tuổi không được sử dụng thuốc vì có thể gây ra hội chứng Reye.
  • Ibuprofen là thuốc dùng để giảm đau do các bệnh lý như: đau răng, đau bụng kinh, đau nhức cơ bắp,…
  • Naproxen là thuốc điều trị các bệnh viêm như viêm khớp dạng thấp và sốt.

Bạn lưu ý chỉ dùng các thuốc giảm đau nhanh theo đúng hướng dẫn trên nhãn. Sử dụng quá liều có thể làm tăng nguy cơ mắc tác dụng phụ như: tổn thương thận, xuất huyết tiêu hóa, viêm loét dạ dày.

Các thuốc giảm đau nhanh kê đơn

Đối với các thuốc giảm nhức có tác dụng mạnh, bạn không thể tự mua tại nhà thuốc. Một số thuốc được bác sĩ kê đơn như: Diclofenac (Voltaren), Morphine, Oxycodone, Codein, Hydrocodone,…

Corticosteroid

Corticosteroid là thuốc được sử dụng để làm giảm viêm, sưng, đỏ da, ngứa và dị ứng. Corticosteroid hoạt động bằng cách ức chế, làm giảm phản ứng viêm của hệ thống miễn dịch. Bằng cách giảm nhức viêm, những loại thuốc này cũng làm giảm đau. Corticosteroid có thể gây ra các tác dụng phụ như:

  • Tăng cân
  • Loãng xương
  • Khó ngủ
  • Thay đổi tâm trạng
  • Giữ nước
  • Đường trong máu cao
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng

Để phòng ngừa các tác dụng phụ này, bạn có thể dùng với liều lượng thấp nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất.

Giảm đau bằng thuốc Opioid

  • Thuốc opioid là nhóm các chất tự nhiên và tổng hợp, bao gồm các loại thuốc phiện và các loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc phiện (morphine). Một số opioid khác là các loại thuốc tổng hợp và bán tổng hợp như Hydrocodone, Oxycodone và Fentanyl.
  • Bạn có thể dùng thuốc opioid để giảm đau cấp tính sau phẫu thuật, hoặc để kiểm soát cơn đau mãn tính trong thời gian dài. Mặc dù các thuốc opioid có hiệu quả giảm đau cao, nhưng nó cũng rất dễ gây nghiện. Việc sử dụng không đúng cách có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc quá liều, thậm chí gây tử vong. Tốt nhất, khi sử dụng thuốc opioid, bạn cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm cũng có thể giúp giảm đau mãn tính từ một số bệnh, như đau nửa đầu và tổn thương thần kinh. Thuốc chống trầm cảm có thể gây ra tác dụng phụ như:

  • Buồn ngủ
  • Khó ngủ
  • Buồn nôn
  • Khô miệng
  • Chóng mặt
  • Táo bón

Hãy báo cho bác sĩ biết nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Nếu các triệu chứng này vẫn tiếp tục, bác sĩ có thể điều chỉnh liều hoặc chuyển sang thuốc chống trầm cảm khác.

Thuốc chống co giật

Thuốc điều trị co giật giúp giảm đau thần kinh. Các dây thần kinh bị tổn thương bởi các tình trạng như bệnh tiểu đường hoặc bệnh zona và dây thần kinh nhạy cảm quá mức gửi quá nhiều tín hiệu đau.

Các thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ như:

  • Buồn nôn và ói mửa
  • Buồn ngủ
  • Đau đầu
  • Chóng mặt
  • Nhầm lẫn

Thuốc chống động kinh cũng có thể làm tăng nguy cơ khiến bạn có suy nghĩ tiêu cực và tự tử. Do đó, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ về các tác dụng phụ trong khi bạn dùng các loại thuốc này.

Khi nào bạn nên đi gặp bác sĩ?

Trong một số trường hợp, những cơn đau có thể ngày càng tồi tệ theo thời gian dù đã áp dụng các phương pháp giảm đau đơn giản. Đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu cơn đau của bạn:

  • Không biến mất sau 2-3 tuần
  • Đang khiến bạn sốt, căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm
  • Ngăn bạn thư giãn hoặc ngủ
  • Ngăn bạn tập thể dục hoặc tham gia các hoạt động thường ngày
  • Không cải thiện với bất kỳ phương pháp điều trị nào

Nguồn tham khảo

Thuốc Fentanyl cập nhật ngày 26/01/2021: https://www.drugs.com/illicit/fentanyl.html

Thuốc Fentanyl cập nhật ngày 26/01/2021: https://vi.wikipedia.org/wiki/Fentanyl

Rate this post